Cổ Vật Việt Nam - Giá Trị - Đẳng Cấp!

Logo Cổ vật Việt Nam
user
Trang chủ Sản phẩm Giỏ hàng Yêu thích

Biểu tượng ngưởi mẹ trong tục thờ mẫu ở Việt Nam

  • 23-12-2022

Biểu tượng ngưởi mẹ trong tục thờ mẫu ở Việt Nam

Biểu tượng ngưởi mẹ trong tục thờ mẫu ở Việt Nam

Tục thờ Mẫu ở Việt Nam ra đời là sản phẩm của nền văn hóa nông nghiệp với việc đề cao “tính nữ”, “mẫu tính”, tôn thờ sự sinh sản, sinh sôi, phát triển phồn thực. Người mẹ trong các dòng họ trên thế giới và Việt Nam đều phải có chức năng và trách nhiệm to lớn và cao cả này. Hình tượng người Mẹ được tôn thờ là hình tượng người Mẹ trở thành biểu tượng trung tâm trong tục thờ Mẫu ở Việt Nam.

Biểu tượng ngưởi mẹ trong tục thờ mẫu ở Việt Nam


Người Mẹ với quyền năng làm chủ

          Trải quan thời gian, hệ thống thần điện thờ Mẫu đã được hoàn thiện với các lớp thần khá đa dạng và phong phú. Điện thờ Mẫu bao gồm nhiều lớp khác nhau với sự song song của hai bên nam – nữ: Ngọc hoàng, Tam tòa Thánh Mẫu, ngũ vị Vương quan, tứ vị chầu Bà, ngũ vị Hoàng tử, thập vị Vương Cô, thập vị Vương Cậu, ngũ Hổ, ông Lốt.

Ngọc hoàng là vị Thánh cao nhất trong tục thờ Mẫu, điều này do ảnh hưởng đậm nét của Đạo giáo. Về hình thức, Ngọc hoàng là có vị trí cao nhất, có ban thờ riêng trong các đền, phủ nhưng “vai trò của Ngọc hoàng trong nghi lễ và thờ cúng, trong tâm thức dân gian lại rất mờ nhạt”[1], thậm chí có nhiều nơi thờ Mẫu không có ban Ngọc hoàng Thượng đế. Mọi quyền năng làm chủ đều được tập trung vào Mẫu, Mẫu là quyền năng sáng tạo vũ trụ duy nhất, nhưng lại hóa thân thành các vị Thánh Mẫu cai quản các miền khác nhau (Tam phủ, Tứ phủ). Dưới Tam tòa Thánh Mẫu là ngũ vị Vương quan: các quan lớn thừa lệnh các vị Thánh Mẫu cai quản Tứ phủ, tứ vị chầu Bà: các Thánh nữ thay quyền Thánh Mẫu cai quản khắp bốn phương…

Sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh với vai trò thần chủ cao nhất Mẫu nghi thiên hạ đã đưa tục thờ Mẫu lên một tầm cao mới, là sự chuyển biến từ thiên thần sang nhân thần, có thể biến hóa bản thể thành các thiên thần. Đây được lý giải là khát vọng, ước mơ làm chủ của con người, con người sẽ chế ngự được tự nhiên, làm chủ tự nhiên…

Nhìn nhận về quyền năng làm chủ của người Mẹ (Mẫu) trong tín ngưỡng thờ Mẫu với thực tiễn xã hội Việt Nam, mặc dù vai trò của người đàn ông được nâng lên nhưng vai trò của người phụ nữ không hề bị xem thường. Về vẻ bề ngoài của xã hội, người đàn ông là trụ cột gia đình nhưng người vợ, người mẹ vẫn giữ một vai trò quan trọng trong gia đình, có thể nói quyền làm chủ trong gia đình thực chất vẫn thuộc về người Mẹ, người vợ: “Lệnh ông không bằng cồng bà”, “nhất vợ, nhì trời”. Với sự phân công “nam ngoại, nữ nội” thì một người đàn ông có thể thành đạt cỡ nào ngoài xã hội, thì khi về nhà vai trò “nội tướng” lại được nhường cho người vợ, người mẹ trong gia đình. Vai trò của người mẹ với con cái thì đặc biệt quan trọng: công cha, nghĩa mẹ đều không thể nào kể xiết: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Người Mẹ với quyền năng sinh sôi, sáng tạo

“Mẫu”: Mẹ, theo khía cạnh phồn thực thì “Mẫu” để chỉ sự sinh sôi nảy nở, sinh hóa không ngừng của vạn vật, chứ không phải chỉ đơn giản là để chỉ sự sinh sôi của loài người. Chính vì nghĩa gốc đã như vậy, bản thân tục thờ Mẫu ra đời xuất phát từ tâm lý, ý thức đề cao những yếu tố sinh, dưỡng, dục.

Về quyền năng sinh sôi, sáng tạo của người Mẹ, tác giả Vũ Ngọc Khánh đề cập đến trong công trình của mình: “Mẹ sáng tạo ra con, chăm sóc con từ ngày con ở trong nôi cho đến lúc mẹ từ giã cõi đời. Những ngày đầu tiên của lịch sử nhân loại, con người chỉ biết có mẹ, không biết có cha. Xã hội hình thành cũng phải trải qua chặng đường đầu tiên là thời kỳ mẫu hệ. Do đó, trong quan niệm của loài người, không thể thiếu hình ảnh người mẹ”[2].

Trong bài viết Mẫu tính trong văn hóa Việt của tác giả Trần Văn Đoàn, trong phần tạm kết, tác giả đưa ra nhận xét: trước hết, lối tư duy Việt tập trung vào yếu tố sinh. Hay nói cách khác, đó chính là lối tư duy dựa trên đặc tính của người mẹ. Chữ mẹ trước hết tượng trưng cho sự sinh sản. Chính vì thế mà, tất cả những sự vật, nhân vật, hay thần thánh quan trọng nhất đều có một công năng chung, đó là công năng sinh sản. Chính vì vậy mà người Việt thường dùng từ mẹ, mẫu, bu để chỉ tất cả những yếu tố tạo ra sinh sản. Khả năng sinh sôi, sáng tạo trở thành một thuộc tính quan trọng thể hiện quyền năng độc tôn của người Mẹ ở các dòng họ Việt Nam.

Với người Việt Nam nói chung, con cái rất quan trọng, lấy vợ lấy chồng, xây dựng gia đình chỉ được coi là trọn vẹn khi con cái đủ đầy, giá trị người phụ nữ ở khả năng làm mẹ, ca dao, tục ngữ, thành ngữ có câu: “Cây độc không trái, gái độc không con”. Trong hệ thống các cơ sở thờ tự thờ Mẫu ở Việt Nam có rất nhiều nơi nổi tiếng với “chức năng” “xin con”. Ở đền Sinh Hải Dương (xã Lê Lợi, huyện Chí Linh), trong ngôi đền có phiến đá lộ thiên hình dạng người phụ nữ đang lâm bồn và được gọi với các tên cung kính là Đức Thánh Mẫu Thạch Bàn. Người ta đến với mục đích “cầu con” rất đông, khi cầu được con rồi thì phải quay trở lại làm lễ tạ. Ba Bà Chúa Sanh Thai và mười hai Bà Mụ với quyền năng cai quản việc sinh nở được thờ ở rất nhiều nơi, đặc biệt là khu vực miền trong, khu vực phía Nam. Ở Quảng Nam, Hội quán Phúc Kiến, nơi thờ Mẫu của người Hoa: Mẫu, Mẹ, theo cách hiểu đơn giản nhất có nghĩa là đấng sinh thành ra mỗi người chúng ta; là sự bao bọc, chở che cho con người, vạn vật. Thờ Mẫu là thờ phụng tất cả những đối tượng mang yếu tố “Nữ”, có khả năng sinh sản. Hậu điện thờ ba Bà Chúa Sanh Thai và mười hai Bà Mụ. Người đến cầu chủ yếu là nữ, chưa có con thì mong ước “sinh con, đẻ cái”, khi có bầu thì cầu cho “mẹ tròn, con vuông”, khi có con thì cầu cho con “hay ăn, chóng lớn”, “ngoan ngoãn, khỏe mạnh, dễ nuôi”,… Hay ở chùa Ngọc Hoàng (quận 1, TP.  Hồ Chí Minh) có phòng thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và mười hai Bà Mụ, cũng là một địa chỉ “cầu con” nổi tiếng.

Nhìn chung, khi đến với tục thờ Mẫu, người ta đều gửi gắm niềm mong ước liên quan đến sự sinh sôi, sáng tạo, không chỉ bó hẹp là con đàn, cháu đống mà còn mở rộng hơn ở vạn vật hài hòa, thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, đủ đầy như người Tày thờ Mẹ Trăng với mong muốn mưa thuận, gió hòa, cuộc sống đủ đầy.

Người Mẹ với quyền năng chở che, bao bọc, tạo dựng hạnh phúc

Trong đời sống tâm linh của người Việt, tục thờ Mẫu xuất hiện từ rất sớm với hình ảnh đầu tiên là người Mẹ thiên nhiên, về sau là sự xuất hiện của những người Mẹ xã hội, là những nhân vật huyền thoại, lịch sử được thần thánh hóa, tôn thờ (có sự chuyển biến từ thiên thần sang nhân thần, tuy nhiên nhiên thần vẫn tồn tại, đôi khi nhiên thần lại là bản thể hóa của nhân thần, như trường hợp Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Khi nói về người mẹ theo nghĩa đen, thường đề cập đến hai chức năng: sinh và dưỡng. Sinh là sinh sôi, duy trì giống nòi, người mẹ mang nặng đẻ đau, cưu mang chín tháng mười ngày, trải qua biết bao khó khăn, vất vả mới sinh ra được một người con. Khi sinh rồi lại tiếp tục “dưỡng”, tức là nuôi dưỡng, chở che, bảo vệ người con của mình, luôn mong muốn đem lại cho đứa con của mình những gì tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Người mẹ mất cả đời để chăm lo, dưỡng dục, tạo dựng hạnh phúc cho đứa con. Vì vậy, công lao của mẹ không gì sánh được: “Ai rằng công mẹ như non/ Thật ra công mẹ lại còn lớn hơn”.

Trong truyền thuyết về các vị Thánh Mẫu, đều thể hiện rất rõ cái quyền năng chở che, bao bọc của người Mẹ (Mẫu) đối với cuộc sống của con mình (quần chúng nhân dân). Và cũng chính nhờ những công lao to lớn đó mà người dân nhớ ơn, lập đền tôn thờ. Về Thánh Mẫu Thoải Cung, “có nhiều quan niệm dân gian khác nhau về Mẫu Thoải, nhiều huyền tích về những lần Mẫu hiển linh giúp nước, giúp dân, đặc biệt ở các triều vua Trần, Lê được truyền tụng trong dân gian và được ghi nhận qua các đạo sắc phong của triều đình phong kiến xưa”[3]. Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở cả lần giáng trần lần thứ hai, thứ ba đều hiển linh giúp đời, dốc lòng dốc sức mang lại bình an hạnh phúc cho nhân dân, bằng việc hiển linh ban phúc cho những người lành, thẳng tay trừng trị những kẻ làm điều ác, đem lại công bằng cho nhân dân. Không chỉ giúp bình ổn cuộc sống của nhân dân mà Thánh Mẫu Liễu Hạnh còn có công lớn giúp nhà vua và nhân dân đánh giặc, đem lại bình yên hạnh phúc cho nhân dân.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam còn là người phụ nữ của quê hương, đất nước, với lòng yêu nước nồng nàn, hết lòng hy sinh vì quê hương, đất nước. Những trang sử Việt Nam với hình ảnh Bà Trưng, Bà Triệu,… cưỡi voi xông pha trận mạc, giành lại bình an cho đất nước đã trở thành biểu tượng về lòng yêu nước, về sức mạnh của người phụ nữ ở các dòng họ Việt Nam.

Một trong số những truyền thuyết về Thánh Mẫu Thiên Ya Na được lưu truyền tại tháp Poh Nagar, Nha Trang do Lễ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản soạn ngày 05/5/1857 (bản dịch của Quách Tấn) có nhắc đến chi tiết: chính Thánh Mẫu Thiên Ya Na là người đã dạy cho nhân dân trong vùng Đại An (Nha Trang) về cuộc sống văn minh: cày cấy, kéo vải, dệt sợi, đặt ra lễ nghi,… để từ đó ruộng nương được mở rộng, đời sống nhân dân ngày càng thêm sung túc, đủ đầy. Bà không những chỉ khai hóa vùng Đại An mà nhân dân các vùng lân cận cũng được nhờ. Chính vì cảm tạ công đức của bà nên khi bà về cõi Tiên, nhân dân trong vùng đã xây tháp thờ.

Có một đặc điểm mà tục thờ Mẫu khác với các tín ngưỡng, tôn giáo khác là những người đến với Mẫu thường không phải cầu xin cho tương lai, “kiếp sau” mà cầu xin đáp ứng những nhu cầu ngay trong cuộc sống hàng ngày, thực tại. Họ cầu xin cho những nhu cầu rất thiết thực hàng ngày: sức khỏe, bình an, tiền tài, danh vọng, tình duyên,… Bởi quan niệm: các vị Thánh Mẫu là những người Mẹ, mà người Mẹ luôn hết lòng vì con, chăm lo cho đàn con của mình từng miếng ăn no, giấc ngủ tròn, luôn tạo mọi mọi điều kiện, hy sinh thân mình để con được sung sướng và hạnh phúc nhất. Chính vì thế, các cơ sở thờ Mẫu luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến cầu xin cho những ước vọng, mong muốn của mình. Vào các dịp đầu năm, ngày lễ Tết, các tháng giỗ húy như: tháng Ba, tháng Tám, các phủ, đền thờ Mẫu ở khắp mọi miền đều nghi ngút khói hương, tấp nập người ra, vào. Những dịp này rất nhiều các giá đồng được hầu đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ. Có những đền, phủ nổi tiếng “chuyên” cầu mong về một việc như: Bà Chúa Kho, “chuyên” về cầu tài lộc cho việc kinh doanh, buôn bán, bằng hình thức “đầu năm đi vay – cuối năm đi trả”. Tương truyền Bà là người đã nhận nhiệm vụ trông giữ kho lương ở núi Kho cho triều đình kháng chiến chống quân Tống, nhờ sự thông minh, nhanh trí, hoạt bát, bà đã đóng góp công lớn vào cuộc kháng chiến. Ghi nhớ công ơn của Bà, lập đền thờ và tôn kính gọi là Bà Chúa Kho. Từ đó hàng năm, cứ đầu năm, người dân khắp nơi, đặc biệt là những người buôn bán nườm nượp sắm sửa lễ vật đến “vay vốn” bà Chúa Kho, mong muốn một năm vốn liếng dồi dào, buôn bán phát đạt, tiền bạc xông xênh; đến cuối năm lại sắm sửa lễ vật đến cảm tạ, trả lại số “vốn” đã vay từ đầu năm; đền Công đồng Bắc Lệ (Lạng Sơn), nơi thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn được coi là ngôi đền cầu duyên nổi tiếng khắp miền Bắc cũng như khắp Việt Nam; phủ Tây Hồ, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng với cầu phúc, cầu lễ, cầu lộc,…

Người Mẹ với quyền năng là biểu tượng của cái đẹp hoàn mỹ từ hình thức, tâm hồn, trí tuệ

Từ xưa đến nay, phụ nữ các dòng họ luôn là biểu tượng của cái đẹp, nên phái nữ còn được gọi là phái đẹp. Chính vì thế, với tất cả các vị Thánh Mẫu được tôn thờ trong tục thờ Mẫu đều được miêu tả bằng những hình ảnh đẹp nhất.

Thánh Mẫu Cửu Trùng cai quản miền Trời hiện ra với dung mạo cao quý, tốt tươi:

“Mặt hoa mày liễu tốt tươi

Hình dung yểu điệu miệng cười như hoa

Lưng ong tóc phượng rà rà

Áo xông hương xạ hài hoa, chân giày”[4].

Thánh Mẫu Thượng Ngàn cũng được miêu tả trong thần tích là cô gái tuyệt sắc, có nhiều tài nghệ, thường chu du cùng cha khắp các núi rừng, hang động. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được ngợi ca nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành:

“Mi cung nguyệt miệng cười hoa nở

Nhị thùy châu mặt tựa Hằng Nga

Áo hồng khuyết ngọc trâm ngà

Lưng ong tóc phượng nõn nà thêm ưa”[5].

Hay trong bản Vân Cát thần nữ của Đoàn Thị Điểm, Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở lần giáng trần đầu tiên với tên Giáng Tiên được miêu tả như một tuyệt sắc giai nhân: “Đến khi lớn da trắng như sáp đọng, tóc sáng như gương soi, mi cong như mặt trăng mới mọc, mắt long lanh như sóng mùa thu”. Không chỉ đẹp về hình thức mà còn đẹp về tâm hồn, người Việt rất coi trọng vẻ đẹp tâm hồn: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nên hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh đẹp trọn vẹn với hình ảnh người phụ nữ công – dung – ngôn – hạnh. Trong thần tích ta thấy, Giáng Tiên khi còn ở nhà cha mẹ đẻ hết mực giữ tròn chữ hiếu, ngoan ngoãn, lễ phép, chú tâm học hành, hàng ngày ở một mình trong nhà chú tâm đọc sách, tập chữ, tinh thông âm luật, giỏi thổi ống tiêu, gẩy đàn. Khi lấy chồng, kết hôn với Đào Lang thì làm tròn đạo lý: kính hiếu cha mẹ chồng, giữ lễ thừa thuận với chồng “theo được như người thục nữ trong thơ Quan Thư”, sinh con đủ đầy. Khi nàng về Trời và giáng sinh lần thứ hai, vẫn giữ tròn đạo hiếu với mẹ cha, khuyên nhờ chồng thay mình hiếu kính cha mẹ: “Cha mẹ thiếp ở nơi cố hương, rất có ý trông mong vào chàng, chàng nên thường tới thăm hỏi thay thiếp sớm chiều, không nên nhãng quên tình con rể”[6], hết lòng khuyên chồng về tu thân, tề gia. Sau đó bà đi chu du thiên hạ, thoắt ẩn, thoắt hiện, biến hóa khôn lường, được người dân mang lễ vật đến cầu đảo, thì “Tất cả vật tiền bạc, tơ lụa mà người ta dâng, đều mang về nhà cho cha mẹ dùng”. Tấm lòng thảo thơm của nàng thật đáng quý biết bao! Đến lần kết duyên lần thứ hai với Thư Sinh ở phía Đông làng Sóc, Nghệ An (Thư Sinh vốn là chồng trước của Tiên Chúa thác sinh), nàng cũng hết mực làm trọn nghĩa vợ chồng “sắt cầm hòa hợp, kính yêu lẫn nhau”, chia sẻ với nhau như tri kỷ, luôn khuyên răn người chồng chỉnh trang học hành, không được vì ham vui mà lả lơi xao nhãng, ví như khi thấy chồng vì quyến luyến nữ sắc mà xao nhãng việc học, nàng bảo rằng: “Đã gọi là “nho”, học thì phải hành, trước dẫu lấy văn chương tiến thân, sau phải đem tài kinh luân giúp đời. Nếu chỉ đẽo gọt từng câu chữ, sính lạ khoe tài để ăn trộm cái hư danh của nho giả thì không đáng quý vậy”. Người chồng hổ thẹn, ân cần từ tạ: “Tiểu sinh này trước kia tự phụ chút tài mọn, có ý cuồng phóng. Nay được nghe lời vàng ngọc xin ghi trong lòng, không dám phóng túng như trước nữa”. Từ đó chỉnh trang học hành, năm sau thi đỗ, được bổ nhiệm vào Viện Hàn lâm[7].

Vẻ đẹp trí tuệ được kết tinh điển hình trong hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trong xã hội phong kiến xưa, người phụ nữ thường bị xem thường theo tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, không thể sánh với người đàn ông, đặc biệt trong con đường học vấn, trí tuệ. Các kỳ thi của triều đình phong kiến tổ chức thường chỉ có nam mới được dự thi. Vì thế ít khi người ta nhắc đến trí tuệ của người phụ nữ. Nhưng hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh lại hoàn toàn khác. Thánh Mẫu Liễu Hạnh trở thành biểu trưng của sự thông minh, xuất chúng. Tài năng và trí tuệ của bà có thể sánh ngang những bậc trí giả đại phu khi đó. Trong Vân Cát Thần Nữ có kể về cuộc đối đáp giữa Bà và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, trước tài ứng đối thông minh của Ngài, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã phải thốt lên: “Nàng là người ở đâu là lại có tài thông minh như thế?”. Rồi đến cuộc hội ngộ lần thứ hai, cuộc đối thơ, vịnh thơ kinh điển ở Tây Hồ thơ mộng, các đấng nam nhi đại trượng phu, ba người là Phùng Khắc Khoan và hai người bạn họ Ngô và họ Lý, đều là những người tài cao hiểu rộng, văn hay chữ tốt cũng phải thốt lên ca ngợi: “Nàng có lẽ là trời chăng? Sao mà tinh tuệ đến như thế!”[8]. Hay như người thư sinh vốn là chồng trước của nàng thác sinh, khi nhìn thấy nét bút, ý thơ cũng phải mến tài mà thốt lên: “Sức bút đều đặn, lời thơ tươi đẹp, không ngờ trong thế gian lại có nữ tài dường này! Dẫu “Di An” và “Thục Chân” sống lại cũng chưa chắc là ai hơn ai kém vậy” [tập 2, tr. 34].

Tóm lại, hình tượng người Mẹ qua tục thờ Mẫu ở Việt Nam hiện ra với nhiều màu sắc phong phú và đa dạng, tạo nên một biểu tượng hoàn chỉnh tốt đẹp nhất, sáng ngời nhất, mang giá trị “biểu tượng” cao nhất. Biểu tượng người Mẹ trong tục thờ Mẫu hiện ra với những quyền năng đặc biệt: quyền năng làm chủ; quyền năng sinh sôi, sáng tạo; quyền năng chở che, bao bọc và tạo dựng hạnh phúc; là biểu tượng của cái đẹp hoàn mỹ,… Chính những thuộc tính quyền năng đó đã làm nên vẻ đẹp sáng ngời, sức sống bất diệt của biểu tượng người Mẹ Việt Nam nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung.


– Chú thích:

Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2004), Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.30.

Vũ Ngọc Khánh (2012), Tục thờ Thánh – Mẫu ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr.11

Trần Quang Dũng (chủ biên) (2017), Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ chốn thiêng nơi cõi thực, Nxb. Thế giới, tr.27.

Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2009), Đạo Mẫu ở Việt Nam, tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.119.

Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2009), Đạo Mẫu ở Việt Nam, tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.42.

Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2009), Đạo Mẫu ở Việt Nam, tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.21.

Xem Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2009), Đạo Mẫu ở Việt Nam, tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.37-39.

Xem Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2009), Đạo Mẫu ở Việt Nam, tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.32.

– Tài liệu tham khảo

Trần Quang Dũng (chủ biên) (2017), Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ chốn thiêng nơi cõi thực, Nxb. Thế giới, tr.27.

Vũ Ngọc Khánh (2012), Tục thờ Thánh – Mẫu ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr.11.

Phan Ngọc (2015), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin.

Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2009), Đạo Mẫu ở Việt Nam, tập 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.32.

_________________________

* Phó Thư ký Phân ban Ni giới Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Lễ hội tâm linh truyền thống
  • 247
  • 23-12-2022

Lễ hội tâm linh truyền thống

Lễ hội tâm linh truyền thống

Di tich nơi thờ tự Thánh Gióng và lễ hội Gióng
  • 299
  • 23-12-2022

Di tich nơi thờ tự Thánh Gióng và lễ hội Gióng

Di tich nơi thờ tự Thánh Gióng và lễ hội Gióng

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hiện thân của công lý
  • 221
  • 23-12-2022

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hiện thân của công lý

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hiện thân của công lý

Đăng ký ngay

Để nhận những khuyến mãi hấp dẫn nhất của chúng tôi qua email

Sản phẩm chất lượng

Các sản phẩm hiện đang được cung cấp tại Cổ Vật Việt Nam đều có nguồn gốc rõ ràng và cấp phép hoạt động trên thị trường bởi các đơn vị có thẩm quyền.

Hỗ trợ tư vấn 24/7

Bất kể khi nào quý khách hàng cần, Cổ Vật Việt Nam đều sẵn lòng giải đáp và hỗ trợ tận tình.

Chính sách hoa hồng hấp dẫn

Hệ thống sơ đồ áp dụng công nghệ hiện đại, chắc chắn sẽ mang lại cho bạn nguồn lợi nhuận cao và ổn định.

Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp

Nhân viên tại Cổ Vật Việt Nam luôn được training kỹ càng, cam kết sẽ khiến quý khách hàng hài lòng về cung cách phục vụ.