Cổ Vật Việt Nam - Giá Trị - Đẳng Cấp!

Logo Cổ vật Việt Nam
user
Trang chủ Sản phẩm Giỏ hàng Yêu thích

Di tich nơi thờ tự Thánh Gióng và lễ hội Gióng

  • 23-12-2022

Di tich nơi thờ tự Thánh Gióng và lễ hội Gióng

Di tich nơi thờ tự Thánh Gióng và lễ hội Gióng

Tóm tắt:

Lễ hội Gióng (còn gọi là lễ hội Phù Đổng) là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người Anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hiện nay, ở Hà Nội, có hơn 10 hội Gióng, trong đó có 2 hội Gióng tiêu biểu đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là hội Gióng Phù Đổng (ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, là nơi sinh ra Thánh Gióng) và hội Gióng Sóc Sơn (ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, nơi Thánh Gióng đánh tan giặc Ân, cưỡi ngựa lên núi Sóc Sơn bái vọng Mẹ rồi bay về trời).

Di tich nơi thờ tự Thánh Gióng và lễ hội Gióng

Lễ Hội Gióng

Bài viết này tác giả xin được giới thiệu hội Gióng Phù Đổng.

1. Truyền thuyết về Thánh Gióng

Tương truyền kể rằng, vào đời Vua Hùng Vương thứ VI, tại Kẻ Đổng (còn gọi là làng Gióng Mốt, tên cũ của làng Đổng Xuyên sau này, thuộc bộ Vũ Ninh xưa), có hai vợ chồng nông dân chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức. Một hôm, bà ra vườn hái rau trông thấy một vết chân to quá khổ liền ướm thử chân mình vào, không ngờ về nhà bà thụ thai và sinh được một cậu bé rất khôi ngô, tuấn tú đặt tên là Gióng. Hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng lạ thay, đứa trẻ đã lên ba mà vẫn không biết nói, biết cười, cha mẹ đặt đâu thì nằm đấy, làm họ vô cùng buồn phiền, lo lắng.

Bấy giờ có giặc Ân ở phía Bắc đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ, bèn truyền cho sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi giúp nước.  Khi vừa nghe tiếng mõ và tiếng sứ giả rao vang ngoài ngõ, cậu bé Gióng bỗng dưng bật dậy nói, thưa với mẹ cho gọi sứ giả vào và nói với sử giả rằng: Ngươi hãy về tâu với Đức Vua cho đúc một con ngựa sắt, một roi sắt, một tấm áo giáp và chiếc nón sắt để Gióng đi dẹp giặc. Sứ giả mừng rỡ, vội về tâu Vua. Nhà vua truyền ngay cho thợ rèn ngày đêm làm gấp những vật dụng cậu bé dặn. Từ sau hôm gặp sứ giả, cậu bé ăn rất khỏe, mỗi bữa ăn hết mười nong cơm, ba nong cà và lớn nhanh như thổi. Mẹ Gióng và dân làng lo cơm nước, quần áo mặc cho Gióng.

Khi quân giặc tiến đến rất gần, thế nước rất nguy, người dân hoảng hốt, cũng là lúc sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Cậu bé vùng dậy, vươn vai biến thành một tráng sĩ cao lớn oai phong, lẫm liệt rồi mặc áo giáp, đội nón, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như ngả rạ. Bỗng roi sắt gãy, tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre đằng ngà cạnh đường quật lũ giặc tơi bời. Tráng sĩ đuổi giặc đến tận chân núi Sóc (Sóc Sơn) cả đoàn quân giặc tan tác hoàn toàn. Sau đó, một người một ngựa, Gióng lên đỉnh núi Sóc cởi giáp sắt, roi sắt bỏ lại, bái vọng mẹ rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời.

Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người Anh hùng, Vua Hùng sai lập đền thờ ở làng quê nơi Gióng sinh ra và đặt tên là làng Phù Đổng; phong Gióng làm Phù Đổng Thiên Vương, phong mẹ Gióng là Thánh Mẫu Bảo Vương. Từ đó, hàng năm,  người dân đều tổ chức lễ hội làng Phù Đổng để tưởng nhớ công ơn của vị Anh hùng trẻ tuổi. 

2.Di tích nơi thờ Thánh Gióng

Cụm di tích di tích nơi thờ Thánh Gióng gồm những công trình kiến trúc chính sau:

Một là, đền Thượng, là đền thờ Thánh Gióng, tọa lạc sát đê, được bố cục theo hình chữ “công” với quy mô rộng rãi. Theo truyền thuyết, đền được dựng từ thời Hùng Vương trên nền nhà cũ của mẹ Gióng, đến cuối thế kỷ XI, Lý Thái Tổ cho tu bổ thêm và ra lệnh hằng năm, tổ chức lễ hội Gióng. Trước sân đền có ao rộng gọi là ao rối (hàng năm, thường tổ chức múa rối nước vào ngày lễ hội). Trong ao, dưới bóng cây đa cổ thụ là ngôi thuỷ đình được dựng theo kiểu “mái chồng” từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) với nhiều bức chạm gỗ tinh xảo. Qua sân gạch là nghi môn được xây vào cuối thế kỷ XIX, phía trước có đôi rồng đá nét chạm hơi thô nhưng khỏe, bên dưới khắc dòng chữ Hán: Ất Dậu niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1705 dưới triều Vua Lê Dụ Tông). Phía sau có đôi sư tử đá cũng làm vào năm đó. Tiếp đến là nhà đốt hương thiết kế giống thuỷ đình nhưng nhỏ hơn. Liền nhà đốt hương là hai nhà tiền tế khá rộng do Điền Quận công Nguyễn Huy (1610-1675), người làng Phù Dực, cạnh xã Phù Đổng và Trạng nguyên Đặng Công Chất (đỗ đạt năm 1661), người chính làng Phù Đổng, đứng ra hưng công xây dựng. Ở phía Đông của đền có hai ngôi nhà ba gian do Tuyên phi Đặng Thị Huệ (thế kỷ XVIII) cung tiến.

Bên trong hậu cung 12 gian có tượng Thánh Gióng cao 3m, hai bên có sáu tượng quan văn, quan võ, hai phỗng quỳ và bốn viên hầu cận tứ trấn. Kiến trúc đền không có gì đặc biệt, nhưng trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị: chiếc ngai thờ từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) chạm trổ tinh vi; đôi chim mang nghệ thuật Trung Hoa do Đặng Thị Huệ cung tiến, bình hương, nghê đồng, hai thanh kiếm, câu đối do anh em thi hào Nguyễn Du cung tiến năm 1818. Bên đền có một bia đá rất đẹp, cũng là một hiện vật quý hiếm ở nước ta. Ngoài ra, đền còn lưu giữ được 21 đạo sắc phong (đời Lê: 12, đời Tây Sơn: 03, đời Nguyễn: 06).

 Hai là, đền Hạ thờ mẹ của Thánh Gióng (gọi là Thánh Mẫu). Tương truyền rằng, đền được dựng trên nền nhà cũ nơi sinh ra Thánh Gióng, nằm ở phía Đông của đền Thượng. Trước đây, Thánh Mẫu được thờ chung với Thánh Gióng ở đền Thượng. Năm Chính Hòa thứ 4 (1683), Thánh Mẫu được thờ ở đền thờ riêng tại thôn Ngô Xá. Sau đó, đền lại được rời về gần chùa Giếng (chùa Tập Phúc) nơi đền tọa lạc hiện nay. Hiện tại đền còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị: đôi phỗng đá, hai bình hương đá…

Ba là, giếng– là một di tích khá quan trọng trong quần thể di tích đền Gióng. Đây là một giếng đất ít ỏi còn lại đến ngày nay. Giếng nằm trước cửa đền Mẫu, có bờ bao bọc xung quanh, có cầu bậc thang để bước xuống tới tận mặt nước. Hằng năm, vào dịp lễ hội rước nước được tiến hành tại đây. Đám rước lớn đi từ đền Thượng tới đây. Đến nơi các quân tướng của Gióng dàn hàng đứng xung quanh để lấy nước thiêng.

Bốn là, miếu Ban (nằm ở phía Tây đền Thượng, thuộc địa bàn xóm Ban) thờ Thánh Mẫu, tương truyền rằng, nơi đây Gióng ra đời. Miếu nằm bên cạnh một cái ao nhỏ, giữa ao có một gò đất nhỏ, trên đó còn giữ được chõng đá, thống đá mà dưới đáy thống vẫn còn nổi lên hình cái liềm là những thứ trời cho khi bà mẹ sinh ra Gióng. Mái miếu lợp ngói cổ hình mũi hài. Trải qua bao thời gian, những vật đó đã trở thành di tích quý giá trong quần thể di tích Thánh Gióng.

Năm là, cố viên (vườn xưa), theo truyền thuyết, nơi đây là vườn rau mà mẹ Gióng đến hái rau rồi ướm chân mình vào chân người khổng lồ, do đó mà mang thai sinh ra Gióng. Tại đây có cây hương, bên cạnh là hòn đá lớn hình thù đặc biệt với nhiều vết lồi lõm, được xem là dấu chân của người khổng lồ. Ngoài ra, còn có một tấm bia mang dòng chữ “Đổng viên Thánh Mẫu cố trạch” (nhà xưa của Thánh Mẫu trong vườn Đổng).

Sáu là, giá Ngự, đó là một bệ đá bằng hai chiếc chiếu đối, nằm lộ thiên phía bên kia đê đối diện đền Gióng nhưng hơi chếch về phía bên trái. Nơi đây, vào ngày lễ hội được nhân dân dùng làm nơi bày hương án thờ và khi vào ngày hội ngựa của Thánh Gióng được kéo đến đây để người dân chứng kiến biểu diễn điệu múa cờ khi Thánh Gióng xuất trận.

Bảy là, mộ Trần Đô Thống nằm trên địa bàn xóm Vận Hang, trước đền Thượng. Tục truyền Đô Thống là một tướng của Thánh Gióng, người Phù Dực cầm đạo quân tiên phong trong đoàn quân chống giặc Ân. Mộ được xây bằng gạch giữa một khu rộng ngoài bãi sông.

Ngoài ra, còn có chùa Kiến Sơ nằm ở bên phải đền Gióng (không rõ được xây dựng từ bao giờ). Khi Lý Công Uẩn lên ngôi đã cho tu sửa chùa này cùng đền Gióng. Trong chùa có nhiều tượng quý như tượng nhà sư Vô Ngôn Thông, Vua Lý thái Tổ, Khổng Tử, Lão Tử và các tượng Phật. Bên cạnh đó, còn có nhiều hang động đắp nổi làm cho chùa thêm huyền bí và sinh động.

3. Những nét đẹp trong lễ hội Gióng

Lễ hội Gióng xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội được bắt đầu tổ chức từ khoảng thế kỷ XI, vào đời Vua Lý Thái Tổ. Lý Công Uẩn sau khi sáng lập ra triều Lý thường đến đền thờ Thánh Gióng ở làng Phù Đổng dâng hương cầu xin cho đất nước thái bình. Chính Vua Lý Thái Tổ đã ra lệnh tôn tạo, mở rộng đền Phù Đổng và quy định thể thức tổ chức lễ hội Gióng như ngày nay.

Lễ hội Gióng, diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9-4 Âm lịch. Để tổ chức lễ hội thành công, những gia đình có vinh dự được chọn người đóng những vai quan trọng như các vai ông Hiệu (Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng, Hiệu Trung quân, Hiệu Tiểu cổ), vai cô Tướng hay các phường Áo đen, phường Áo đỏ… trong sinh hoạt phải kiêng cữ khoảng một tháng trước ngày lễ hội.

Vào chính hội, một trong những nghi lễ trước tiên dân làng tổ chức các nghi thức tế Thánh, sau đó là lễ rước nước lau rửa khí giới được lấy từ giếng đền Mẫu (đền Hạ). Sở dĩ, tổ chức như vậy với ý nguyện cầu được mưa thuận, gió hòa; lễ rước cờ lệnh từ đền Mẫu lên đền Thượng, tiếp đến là lễ khám đường, lễ duyệt tướng. Ngày chính lễ hội là mùng 9-4, diễn ra trang trọng, linh thiêng và náo nhiệt nhất là hai trận đánh. Trận thứ nhất: đánh cờ ở Đống Đàm (khu đất ven hồ sen đầu làng Đổng Viên, cách đền Thượng chừng 02 km) và trận thứ hai: đánh cờ ở Soi Bia. Chiến trường là 3 chiếc chiếu, mỗi chiếu có một chiếc bát to tượng trưng cho núi đồi, úp trên một tờ giấy trắng tượng trưng cho mây trời. Vây quanh là đại quân của Gióng và phía bên kia là đại quân của 28 nữ tướng giặc (biểu tượng cho yếu tố âm).

Sau nghi lễ tế Thánh, sẽ có ông Hiệu cờ lần lượt tiến vào từng chiếc chiếu, nhảy qua các quả đồi (bát úp) và thực hiện các động tác “đánh cờ”. Tiếng hò reo thỉnh thoảng lại dội lên trong tiếng chiêng, tiếng trống, thể hiện sự quyết liệt của trận đánh. Điệu múa cờ của ông Hiệu phải thật chính xác, khéo léo để tránh điều tối kỵ là lá cờ bị cuốn vào cán (bởi theo niềm tin của cư dân nơi đây thì đó là điềm rủi). Kết thúc mỗi màn múa cờ là kết thúc một trận đánh, ông Hiệu cờ vừa bước ra khỏi chiếu là chiếc chiếu được tung lên, dân chúng ào vào cướp lấy những mảnh chiếu mà họ tin tưởng là sẽ đem đến cho gia đình họ điều may mắn trong suốt cả năm. Cuối cùng là lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và lễ khao quân trong rộn rã tiếng cười, lời ca, điệu múa của phường Ải Lao, chiếu chèo và các trò chơi dân gian. Tướng, quân bên giặc cũng được tha bổng và cho tham dự lễ mừng chiến thắng. Cách hành xử này thể hiện truyền thống hiếu nghĩa đối với Tổ tiên, những vị Anh hùng dân tộc và tinh thần khoan dung, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Nét đặc sắc của lễ hội Gióng là màn tái hiện các trận đánh của Thánh Gióng khi dẹp giặc, còn gọi là lễ hội trận truyền thống. Sau khi thực hiện những nghi lễ tại đền Thượng, trận đánh bắt đầu với cuộc “trường chinh” dài hơn 2 km dọc theo đê làng Phù Đổng. Tới trận địa, đại quân của Thánh Gióng giao chiến với quân giặc được hình tượng hóa bằng màn múa cờ hết sức độc đáo của ông Hiệu cờ. Hội trận là màn tái hiện hình ảnh uy lẫm của đội quân Thánh Gióng xuất quân đánh giặc Ân và giành chiến thắng.

Lễ hội Gióng được tổ chức hằng năm nhằm đề cao tinh thần anh dũng bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân ta. Hình tượng một cậu bé yêu cầu nhà vua và nhân dân cấp cho mình lương thảo, vũ khí để đánh giặc và thắng giặc đã mang thông điệp của cha ông ta gửi gắm lại cho hậu thế là, một dân tộc dù nhỏ bé nhưng biết cùng nhau đoàn kết lại thì sẽ tạo ra sức mạnh to lớn đánh thắng được mọi kẻ thù. Mặt khác, việc tổ chức lễ hội Gióng hằng năm thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Sau khi thắng giặc, Thánh Gióng lên đỉnh núi Sóc cởi giáp trụ, bay về trời mà không đòi hỏi điều gì. Đây là một nét rất độc đáo của lễ hội và văn hóa Việt, một nền văn hóa mang đậm dấu ấn nông nghiệp có sự giao hòa âm dương, tương sinh, tương khắc được thể hiện qua hình thức: quân của ông Gióng là do đàn ông đóng, còn giặc Ân là do đàn bà đóng. Những trò diễn xướng dân gian trong lễ hội như: đám rước khám đường, rước nước rồi hát Ải Lao, đặc biệt nhất là diễn xướng ba trận đánh của Thánh Gióng… thể hiện tính dân gian đặc sắc của Lễ hội.

4. Kết luận

Nét tinh tế của lễ hội là những chi tiết của truyền thuyết đều được thể hiện sinh động bằng các biểu tượng. Cụ thể là ba địa điểm diễn ra ba trận đánh với biểu tượng là ba chiếc chiếu, bên trên có những tờ giấy trắng (biểu trưng cho mây) và những chiếc bát úp (biểu trưng cho đồi núi), người đóng vai Thánh Gióng sẽ đá những chiếc bát úp đó thể hiện sức mạnh bạt núi của Thánh Gióng. Điều đáng chú ý của lễ hội là lễ hội thuộc về nhân dân và hoàn toàn không bị nhà nước hóa. Hàng trăm năm nay, người dân đã góp công, góp của để tổ chức ngày hội của mình và giữ nguyên vẹn những nghi lễ do cha ông truyền lại. Đây chính là điều hấp dẫn đối với du khách ở trong và ngoài nước và là điểm thu hút lớn du khách đến với lễ hội của ngành du lịch Việt Nam.

Lê Thị Vân Anh*


– Danh mục tài liệu tham khảo

Lĩnh Nam trích quái, Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1990.

Xem Madroll Bắc Kỳ thời cổ, BE FEO, 1936.

Nguyệt trí Thích Viên Thành: Lược sử các tông phái Phật giáo, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2000.

Đại học Nội vụ Hà Nội

Lễ hội tâm linh truyền thống
  • 248
  • 23-12-2022

Lễ hội tâm linh truyền thống

Lễ hội tâm linh truyền thống

Biểu tượng ngưởi mẹ trong tục thờ mẫu ở Việt Nam
  • 377
  • 23-12-2022

Biểu tượng ngưởi mẹ trong tục thờ mẫu ở Việt Nam

Biểu tượng ngưởi mẹ trong tục thờ mẫu ở Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hiện thân của công lý
  • 221
  • 23-12-2022

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hiện thân của công lý

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hiện thân của công lý

Lễ rước nước cổ truyền và cây kiệu cổ đẹp nhất Việt Nam
  • 191
  • 23-12-2022

Lễ rước nước cổ truyền và cây kiệu cổ đẹp nhất Việt Nam

Lễ rước nước cổ truyền và cây kiệu cổ đẹp nhất Việt Nam

Đăng ký ngay

Để nhận những khuyến mãi hấp dẫn nhất của chúng tôi qua email

Sản phẩm chất lượng

Các sản phẩm hiện đang được cung cấp tại Cổ Vật Việt Nam đều có nguồn gốc rõ ràng và cấp phép hoạt động trên thị trường bởi các đơn vị có thẩm quyền.

Hỗ trợ tư vấn 24/7

Bất kể khi nào quý khách hàng cần, Cổ Vật Việt Nam đều sẵn lòng giải đáp và hỗ trợ tận tình.

Chính sách hoa hồng hấp dẫn

Hệ thống sơ đồ áp dụng công nghệ hiện đại, chắc chắn sẽ mang lại cho bạn nguồn lợi nhuận cao và ổn định.

Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp

Nhân viên tại Cổ Vật Việt Nam luôn được training kỹ càng, cam kết sẽ khiến quý khách hàng hài lòng về cung cách phục vụ.